Nghệ thuật Trung Hoa

Ngày: 22/01/2024
Trong hội hoạ truyền thống Trung Hoa sử dụng các kỹ thuật dùng bút tương tự như nghệ thuật viết chữ (thư pháp) của Trung Quốc và vẽ bằng bút lông đã được nhúng vào mực đen hoặc màu. Giống với thư pháp, bút lông, giấy và mực là những nguyên liệu cơ bản để tạo nên bức vẽ.

1. Tranh sơn thủy của Nghệ thuật Trung Hoa

Tranh sơn thủy vẽ núi và nước, như vậy là biểu tượng của người quân tử bao gồm được cả nhân và trí. Nhưng để đạt tới tinh hoa của tranh sơn thủy, nho sĩ hay văn nhân thường đi ra ngoài Khổng giáo để viện đến Đạo và Thiền.

• Đạo giáo với thuyết “vô vi” xa lánh cõi tục tìm nơi thâm sơn cùng cốc để gần với “đạo” trời đất tu luyện thân mình, khác với Khổng giáo tu thân để ứng xử nhập thế. Đạo giáo coi tu thân là xuất thế, tìm sự hòa hợp với tự nhiên bên ngoài. Đạo có thuyết âm-dương, ngũ hành biến đổi không cùng sinh ra vạn vật. Người có đủ khí âm-dương, khí ngũ hành, tướng mặt, tướng tay, tướng thân thể là sự biểu lộ của khí âm-dương ngũ hành bên trong người. Đạo biến đổi theo thời gian, vô thủy vô chung theo vòng tuần hòan thịnh-suy, suy-thịnh không bao giờ dứt.
• Thiền giáo khước từ cả xã hội lẫn tự nhiên, hướng vào cái bản ngã để thấy được cái đại ngã, tìm thấy sự thăng bằng với bản thân mình. Khổng giáo và Đạo giáo đều nói đến trực giác, người phải có trực giác mẫn tuệ, thâm viễn để nắm lấy phần vi diệu, không cần lời nói hay trí thuật.

Sơn thủy là thể loại hành tráng nhất và tiêu biểu nhất của hội họa Trung Hoa với tên tuổi của hàng loạt danh họa từ Lý Thành đến Hạ Khuê, Mã Viễn. Nó biểu hiện rõ nhất quan niệm về vũ trụ, được coi là sự kết hợp của âm-dương mà thành và theo sự biến đổi của âm dương mà biến đổi. Âm dương chuyển hóa lẫn nhau không ngừng nghỉ tạo nên cuộc sống. Trong sơn thủy cũng có thể có đủ ngũ hành, tức năm yếu tố căn bản tạo nên thế giới vật chất là Kim(kim loại), Mộc(gỗ), Thủy(nước), Hỏa(lửa), Thổ(đất)… Không gian rộng lớn của sơn thủy cũng chứa không gian địa lý gồm các hướng Hỏa(đông), Kim(tây), Thủy(bắc), Mộc(nam) và Thổ ở trung tâm. Riêng về các màu vàng, lục, đỏ không được dùng nhiều mà thu vào đen-của họa tiết và trắng-của nền (hành thủy và hành kim). Thực ra nền là một phần của tranh, khoảng trống là yếu tố hàng đầu, trọng yếu của tranh sơn thủy.

Nội dung chủ yếu của thể loại nghệ thuật Trung Hoa này là núi và sông, suối, thác nước, ao hồ trên núi cao… Tất nhiên giữa núi và sông có cây, rừng, đồng ruộng cũng như những cảnh sinh hoạt, làm ruộng, kiếm củi, chăn thả gia súc và đánh cá. Các nghề này kiếm sống nhờ vào tự nhiên, tuân theo các quy luật của thổ nhưỡng, khí hậu, nhờ trời thì được ấm no. Đó cũng là những nghề cơ bản của xã hội nông nghiệp. Sinh hoạt cũng thường là sự lánh đời của các văn nhân hay chính các họa sĩ. Họ tìm đến chốn lâm tuyền để hoà vào thiên nhiên về cả tâm hồn và thể xác. Họ uống rượu, đọc thơ, đánh cờ, gẩy đàn và quan sát sự chuyển vần của tự nhiên. Có thể thấy thể loại này ảnh hưởng tư tưởng Lão tử, Trang tử rất sâu đậm.

Phép vẽ thứ năm trong “Lục pháp luận” của Tạ Hách là “Kinh dinh vị trí”, tức là các yếu tố tạo hình trong tranh có tính toán trước để đặt cho đúng chỗ và để tạo nên thế cân bằng của bức tranh. Thế cân bằng tương đối biểu diễn dưới dạng bất đối xứng với điểm tựa ở lệch hẳn về một bên cán như kiểu cân Trung Hoa, trong đó một vật thể nhỏ được dùng làm đối trọng cho một vật thể có khối lượng lớn. Mã Viễn có cách sáng tạo hết sức độc đáo về lối bố cục này, dồn trung tâm hứng thú vào một góc tranh, sử dụng cực độ sự đối lập giữa mảng đặc và mảng trống, lập ra thế cân bằng không đối xứng làm cho tiếng nói tạo hình và giá trị gợi cảm của mảng trống trong tranh tăng lên mạnh mẽ. Với lối bố cục đó, dù vẽ tranh trong khuôn khổ nhỏ, Mã Viễn vẫn tạo được một không gian vô cùng, một cảm giác siêu thoát lâng lâng lên vũ trụ.

Tranh thủy mặc thường có không gian rộng, tranh “Ngắm trăng” của Mã Viễn hay bức “Lời ca thôn dã” hay “Phong cảnh” của Hứa Đạo Ninh khai thác sự tương phản của thế núi rừng sừng sững hay chênh vênh trong không gian mênh mông. Ngắm trăng – trăng sáng đến mức có thể nhìn rõ vẻ đẹp của cây như hướng tới con người đang ngắm trăng. Một mối quan hệ giữa không gian và con người, giữa chính và phụ, giữa thủ pháp nghệ thuật tả kỹ, chấm phá, viết thảo

2. Tác phẩm “Giang sơn thắng khái đồ quyển”

Tác giả Hạ Khuê tự là Vũ Ngọc, người ở Tiền Đường, tỉnh Triết Giang là một tác giả nổi tiếng trong nền nghệ thuật hội họa Trung Quốc. Ông từng được vua ban cho chiếc đai vàng, vẽ cảnh lâu đài, cung điện đưa nét thẳng không cần đến thước kẻ. Hạ Khuê hay dùng vệt mực đẫm nước nhào trộn lên tranh dứt khoát. Tác phẩm “Giang sơn thắng khái đồ quyển” – nghĩa là “Cảnh đẹp bao quát núi sông” của Hạ Khuê là một bức tranh cuộn dài hơn 800 cm bằng mực trên giấy, người xem bị cuốn hút vào một phong cảnh hấp dẫn có núi non, thung lũng, có đá tảng cùng suối khe, khi đi thì dừng chân trước ngôi chùa thấp thoáng sau rặng cây, khi đi thì đi trên chiếc thuyền buồm qua hồ nước hay bước trên những nhịp cầu tre. Người phương Tây so sánh bức tranh với tác phẩm âm nhạc của một Beethoven, tiết điệu lực lưỡng, chủ đề táo bạo, tất cả được trình bày sáng sủa và liên hệ với nhau không chút khiên cưỡng.
 

Giang sơn thắng khái đồ quyển - Hạ Khuê

Hạ Khuê đã vận dụng cùng trong một bức tranh thủ pháp biểu hiện không gian theo ba cách nhìn xa (tam viễn); đứng trước tự nhiên bao la, ngoài cách nhìn ngang phóng tầm mắt ra xa (bình thị hay bình viễn) còn có cách nhìn ngước lên (ngưỡng quan hay cao viễn) và cách nhìn cắm xuống (phù thị hay thâm viễn). Với phép thấu thị của Italia, phong cảnh mới nhìn thì như thật, nhưng nhìn lâu thì thấy cấu trúc khó chịu, không vượt ra ngoài cái khung của bức tranh. Đó là do phép thấu thị bản thân nó mang sẵn tính chất cơ học quy ước người xem là điểm bất động và thời gian thì bị ngưng lại đột ngột. Phép tam viễn với hệ thống thô sơ hơn, nhưng dựa trên cơ sở sinh lý tự nhiên của mắt nhìn đã giúp vào việc thể hiện quan niệm tạo hóa biến chuyển không cùng của Đạo và nắm bắt tự tính ngay giữa dòng lưu chuyển của Thiền. Trong tranh của Hạ Khuê, hiệu quả về chiều sâu đạt được nhờ ở việc sử dụng mây và sương mù cùng những biến thái tinh tế giữa cảnh gần và cảnh xa. Hạ Khuê vẽ như liền một hơi, suốt cuộn tranh dài không có chỗ nào non tay, mực dùng đậm, nét bút chải như nhát búa bổ hay nhát rìu chặt làm tăng góc cạnh của các tảng đá đồ sộ, uy nghi. Kỹ pháp của ông bình thành hệ nhăn gấp được rút ra từ việc nghiên cứu cấu tạo của nham thạch. Kết hợp nét “Câu” là nét viền chu vi của hình thể, bọc ngoài để tách đối tượng ra khỏi môi cảnh với nét “Thuân” là nét vẽ bên trong, thường là loại thủy mặc sơn thủy.

3. Tác phẩm “Thanh minh thượng hà đồ”

Tác phẩm “Thanh minh thượng hà đồ” của Trương Trạch Đoan là tranh cuộn vẽ thủy mặc trên lụa cao 23,5cm dài 551 cm. Ông đi xem xét cảnh quan ở thực địa rồi về vẽ lại thành tranh. Tác giả có một ký ức tạo hình thật kỳ lạ để đưa lên tranh trên 600 nhân vật đủ các lứa tuổi, đủ các hạng người, với hành trạng khác nhau: trưởng giả, nhà sư, thầy thuốc, thầy số, phu kiệu, phu thuyền, phu ngựa, phu lạc đà, chân sào, thợ cạo, nhà buôn, phu trạm, phu khuân vác, người bán rong, người ăn mày, chủ quán, thợ đóng xe...

Tác giả vẽ đủ loại cây: ngô đồng, trúc, dương liễu... đủ loại cầu: cầu lớn, cầu nhỏ, cầu vòm, cầu xây... cùng ruộng, vườn, lều tranh, quán ngói, cổng nhà, cổng thành, lầu gác... thuyền, xe một bánh, xe hai bánh, kiệu, cổng chào, biển hàng, cờ, phướn, thúng, mẹt, quang gánh, kiện hàng, bàn, ghế, tủ, giếng nước, trục lúa, hàng dao kéo, hàng đồ chơi, quán ăn, hiệu thuốc... ngựa, lừa, lạc đà, bò, trâu, lợn... Bức tranh dẫn dắt người xem từ cảnh sớm mai trên con đường ngoại ô vắng vẻ qua ruộng đồng với hàng dương liễu lạnh lẽo hơi sương đến cảnh tấp nập trên dưới bến thuyền lúc trời sáng tỏ ấm áp. Trường đoạn thuyền qua cầu là cao trào của cảm xúc về ngày thanh minh trên sông với trên 30 chiếc thuyền tam bản to như cái nhà cùng những chân sào hối hả... ngắm tranh mà như nghe được cả âm thanh dồn dập, hơi thở gấp gáp trong cảnh lao động khẩn trương căng thẳng. Hết cảnh bến cảnh bến sông ồn ào đến cảnh thành nội, đường phố thẳng, nhà cửa khang trang, người đi lại mua sắm, thăm viếng thong dong, nhàn tản.


Thanh minh thượng hà đồ - Trương Trạch Đoan

Có thể coi “Thanh minh thượng hà đồ” như một cuốn phim thời sự-tài liệu, ống kính lia dọc theo sông ghi lại cuộc sống thanh bình của một thị trấn có sự đối lập giữa cảnh nhốn nháo tất bật của dân lao động với cảnh chơi bời nhàn tảng của hàng trưởng giả. Toàn bộ bức tranh được diễn tả bằng lối “sinh hoa điệu bút”, từ khoan thai đến dồn dập, từ uyển chuyển đến cứng cỏi, tất cả được kết hợp dưới ngọn bút rất có khí lực, không có chỗ nào tỏ ra tác giả xuống hơi, non tay. Bằng vài nét, tác giả lột tả vẻ vui nhộn của anh trai trẻ chèo thuyền, vẻ hối hả của các chân sào khi thuyền qua cầu, vẻ khoan khoái của anh ngồi cạo mặt, vẻ buồn ngủ của anh phu trạm rỗi việc. Người xem không thể không khâm phục con mắt nhận xét tinh vi, trí nhớ lạ lùng cùng kỹ pháp vẽ nét điêu luyện của họa gia. Để tạo không gian, các ngôi nhà, các con thuyền được vẽ theo nhiều hướng khác nhau, thấu thị đường nét thật đã đạt trình độ cao, vượt qua được những trói buộc đương thời để sáng tạo nên một kiệt tác, vì đề tài không được hàng văn nhân sĩ đại phu ưa thích, họ cho nó là quá thông tục.

4. Những dân chài - Hứa Đạo Ninh

Tác giả Hứa Đạo Ninh sống vào khoảng cuối thế kỷ 10, đầu thế kỷ 11, người Tây An, vừa giỏi về thơ vừa giỏi về vẽ. Thuở trẻ ông làm nghề bán thuốc ở thành Tây An và vẽ tranh cây, đá cho người đặt mua. Tranh của ông thời này còn ở giai đoạn chính xác mang tính tủn mủn. Về sau, ông đi quanh dẫy núi Thái Hòa, có dịp ngắm những đỉnh non cao đứng dựng sừng sững và ông đã vẽ tranh sơn thủy với phong cách nghệ thuật khác trước.

Bức tranh cuộn “Những dân chài” của Hứa Đạo Ninh vẽ bằng mực trên lụa cao 48 cm, dài 208 cm. Tạo hình núi hết sức độc đáo, đỉnh núi nhọn hoắt như mũi tên, vách núi thẳng đứng như vách trường thành. Những quả núi giăng hàng đánh võng đuổi nhau bên dòng sông uốn khúc quanh co. Bên cạnh cảnh dữ dội của thiên nhiên là nhịp cầu mong manh bắc ngang sông, những thuyền câu bé nhỏ thong dong bình lặng. 

Cây cối mùa đông và những chiếc thuyền câu bé nhỏ trên mặt nước sóng lăn tăn, vẽ rất có khí lực. Nhịp điệu của bức tranh được nhấn mạnh như tiết tấu trong một bản nhạc, lúc khoan thai, lúc dồn dập, lúc vút lên đột ngột, lúc buông lơi vang vọng xa xăm. Vẻ hăm dọa của tạo vật (núi non trơ trọi, cây cối khẳng khiu, khô khốc) tương phản với vẻ bình thản của con người (cảnh lao động sinh sống hàng ngày, những nhịp cầu tre mong manh bắc ngang sông) tất cả như gợi ra cảm xúc kỳ lạ khó nói bằng lời trước cuộc đối thoại giữa cái vĩnh viễn vô cùng tự tôn tự đại với cái phù du lưu chuyển theo dòng chảy thoáng như mộng ảo.

5. MỘT SỐ TÁC PHẨM THUỘC THỂ LOẠI KHÁC

Nghệ thuật tạo hình tạo nên hình tượng nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật ấy có hai mặt: cái mà nó có cho ta biết về cái “Thực”, cái mà nó dẫn đến trí tưởng tượng của chúng ta là “Hư”. Mỗi tác phẩm là sự kết hợp khéo léo giữa “Hư” và “Thực”, một tác phẩm mà không có sức mạnh gợi lên trí tưởng tượng của người thưởng thức, dù tác phẩm có vẻ của “Thực” đi chăng nữa cũng chỉ là một tác phẩm chết. Nghệ thuật truyền thống Trung Quốc rất quán xuyến nguyên tắc thẩm mỹ này. 

Khi vẽ một con ngựa ở phía xa, họa sĩ chỉ đặt vào một góc trong bố cục của bức tranh: khoảng không còn lại người phương Tây thường thêm một đôi cảnh vật vào như chiếc cối xay gió, hoặc một căn nhà, một mảnh vườn để tránh sự trống trải của bố cục. Họa sĩ Trung Quốc không điền những cái thực vào “khoảng không trắng”, mà dùng tài hoa của bút pháp để gợi về một chân trời, một sắc biển bao la. Vì thế, những chỗ gọi là “trống không” đó rất có ý nghĩa, đấy là nơi từ “Hư” đến “Thực”.

Tề Bạch Thạch vẽ một con tôm, một con cua, ta chỉ thấy trên nền tranh có tôm và cua mà thôi, nhưng toàn cảnh tuyệt nhiên không phải là trơ trọi. Họa sĩ không diễn tả nước, nhưng thêm một cọng rêu, một cây rong nhỏ, cả làn nước mát như xao động trong tâm trí ta.

Tác giả Mục Khê (1200-1250) quê ở Nam Hải, là một nhà sư tu Thiền tại một ngôi chùa dựng trên bờ Tây Hồ gần Hàng Châu.
Tranh vẽ Sáu quả hồng của Mục Khê cao 35cm, rộng 29cm, vẽ bằng mực trên giấy. Bức tranh khổ nhỏ vẽ những trái cây quen thuộc nhưng lại được nhiều nhà nghiên cứu chú ý tới. Thật không có gì bình dị hơn về đề tài, về đối tượng: tranh tĩnh vật, sáu quả hồng; người ta tự hỏi vậy mà tranh như có phù phép lôi cuốn mắt nhìn. Sáu trái cây bình thường đặt hàng ngang phía gần đáy tranh ở vị trí khiêm tốn; phía trên là một mảng trống, trong sự tương tác với mảng đặc lại làm cho vẻ khiêm nhường có cái phần trang trọng thầm kín. Hình thể của các trái cây nếu tỉnh lược đi thì đó là những hình hình học: tròn, vuông, bầu dục. Mỗi trái cây có xu hướng gắn với hình thể hình học mà không hòa nhập hẳn, tạo nên một sức căng kích thích vừa làm cho người xem tri giác các hình thể khác nhau xếp bên nhau lại vừa có cảm giác đó là mạch đập cùng chung một hình thể.

Thoạt nhìn, cả sáu quả hồng như không phân chia được, vì quả ở tiền cảnh giống với cán cân giữ nhịp cho một nhóm hai quả và một nhóm ba quả luôn thăng bằng và gắn bó với nhau. Những quả rỗng và những quả đặc với mảng mực đậm nhạt, những điểm sẫm cuống lá tham gia vào sự thăng bằng đồng thời làm linh hoạt bức tranh. Họa sĩ không vẽ mặt bàn hay mặt đất mà sáu quả hồng vẫn cho cảm giác chỗ tựa vững chãi chứ không bồng bềnh lơ lửng trong khoảng trống của trang giấy. Từ hình tượng của bức tranh toát ra cái tĩnh lặng sâu xa thanh lọc được sự xôn xao trong lòng, hiệu quả đạt được cũng giống như dây cung dương đến độ căng của nó ắt mũi tên phải vụt đi.

Vận hành và phát triển bởi Techreal.vn